Tuesday, February 3, 2009

Báo Sinh Viên Yêu Nước

Thư Gửi Sinh Viên Học Sinh


Các bạn thân mến;

Sau thời gian dài chuẩn bị, tờ báo Sinh Viên Yêu Nước cũng đã ra đời, nhằm bày tỏ tiếng nói của tuổi trẻ, thanh niên sinh viên và học sinh Việt Nam trước vận mệnh đất nước.

Chúng tôi cũng như các bạn, một số đã ra trường, dù đang đi làm nhưng vẫn trở lại để học xong mảnh bằng hậu Đại Học; có bạn vẫn còn đang miệt mài ở các trường Đại Học, người đang ở Hà Nội, có bạn tận Sài-Gòn, có kẻ đang du học xa xôi tại Nhật, Mỹ, Pháp, Đài Loan v.v... Mỗi người một phương, nhưng dù ở đâu thì chúng tôi vẫn nặng lòng với quê hương xứ sở, cùng hội tụ nơi đây để góp tay hình thành tờ báo Sinh Viên Yêu Nước. Người đang ở trong nước thì đau xót trước thảm cảnh đất nước mình mỗi ngày một nhục, khi thấy ngoại bang cứ lấn đất dành biển, xua đuổi nhân dân. Người du học ở nước ngoài thì ngậm ngùi cho thân phận công dân Việt, bị thua kém, tụt hậu, bị ngoại bang khinh khi, nhìn mình bằng nửa con mắt vì những vụ án tham nhũng, ăn cắp, buôn lậu ở Việt Nam cứ xảy ra như cơm bữa.

Các bạn thân mến;

Chúng tôi đã từng cùng các bạn xuống đường tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của đất nước. Đã từng chua xót, chảy nước mắt khi thấy lòng yêu nước của mình bị nhà nước Việt Nam ngăn chận. Có đất nước nào trên thế giới này mà lòng yêu nước của nhân dân lại bị chính chế độ ngăn cấm? Có đất nước nào mà lòng yêu nước của nhân dân bị chế độ coi là tội phạm? Có đất nước nào mà lòng yêu nước của nhân dân phải đồng nghĩa với yêu kẻ xâm lược? Có đất nước nào mà kẻ xâm lược được ca ngợi và bảo vệ? Còn người yêu nước thì phải ngồi tù?

Ngày 23 tháng 2 năm 2009
Báo Sinh Viên Yêu Nước - Điện thư: Baosinhvienyeunuoc@gmail.com

Học Đi Em

Học Đi Em, Học Đi Mà Nhớ Mãi…

Vũ Huy Phan
(Nguồn Báo Sinh Viên Yêu Nước _ Số 01)


Tôi vẫn nhớ bài học từ thuở ấu thơ ấy trong sách tập đọc, và đến nay vẫn chưa quên, dù đã lâu trí nhớ của con trẻ đến nay đã là của một người trung niên, không cho phép tôi nhớ được tên bài thơ và tên tác giả:

Học đi em, học đi mà nhớ mãi
Quê hương ta một dải, từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái…

Phải nói rằng, chính bài thơ đó đã đưa tôi đến với tình yêu đất nước mãnh liệt vô cùng. Bỗng một ngày chợt giật mình, đất nước thân yêu tươi đẹp của mình giờ này ra sao? Nó có còn đẹp như trong thơ nữa chăng?

Đêm qua nằm nghe bài trường ca, lại thấy như mình được đi xuyên Việt. Đi suốt dọc đất nước từ Bắc vào Nam, cái mà ta đang thấy thiếu dần đi trên giang sơn gấm vóc là những tiếng chim. "Đất lành thì chim đậu" - và những con chim đã dần bỏ đất nước của chúng ta mà đi. Đi dạo trong công viên ở một nước châu Âu vào mùa xuân nghe tiếng chim hót véo von mà tủi thân cho đất nước mình. Tôi vốn là người cả nghĩ, lại vơ vẩn nghĩ tiếp… Một đất nước được gọi là phát triển nhanh như cá hóa rồng cũng được, nhưng cũng có thể gọi sự phát triển đó như là những lở loét trên cơ thể cũng được. Tỉnh tỉnh làm khu chế xuất, huyện huyện làm khu công nghiệp… Nông dân quá đói vì làm ruộng, thà có tiền "một phút huy hoàng rồi chợt tắt" còn hơn suốt đời cắm mặt vào mông con trâu, và nhận tiền, bán ruộng cho nhà đầu tư xây nhà máy. Dần dần họ đã trở thành nô lệ trên chính mảnh đất của cha ông mình để lại. Và từ đó biết bao hệ lụy, bao tệ nạn xã hội phát sinh từ những ý thích "phát triển" của những nhà lãnh đạo đất nước.

Tôi lại lang thang đi tiếp, chợt gặp hàng chục em bị teo cơ đenta, bây giờ các em chỉ còn có thể "bay lượn" một cách tàn phế, và đó là kết quả của hơn sáu mươi năm đất nước được độc lập chăng? Tôi không phải là một kẻ tàn ác, cũng không thờ ơ và nhẫn tâm trước đồng bào bị khốn khó. Nhưng tôi cũng chưa bao giờ bỏ một xu (từ tiền lương mà cô thủ quỹ tự động khấu đi mỗi khi có đợt đóng góp) để ủng hộ cho bà con bị thiên tai, vì tôi thấy đau lòng khi mà chính xung quanh mình, nơi mình làm việc vẫn còn có những kẻ mang hàng triệu đô la mồ hôi những mắt của đồng bào đi đánh bạc. Trách nhiệm đó là thuộc về Nhà nước, hỡi những ông Mạnh, ông Dũng, các ông đi mà cứu trợ!

Hết lên núi rồi lại xuống biển, tôi lại gặp những người lính đang bảo vệ mấy hòn đảo tít tận ngoài khơi xa, và miên man suy nghĩ tại sao vừa qua mình lại hèn đớn đến mức không thể tham gia xuống đường biểu tình ở trước cửa sứ quán Trung Quốc? Đúng thế, "người anh em" đang làm cái việc của một thằng du côn đầy sức mạnh là đi chiếm đất của người khác. Và tôi ngụy biện rằng mình không hèn, chỉ có khác về quan điểm và chưa đủ dũng cảm mà thôi. Nếu như tôi đủ dũng cảm, tôi sẽ không biểu tình ở cuối đường Hoàng Diệu, mà tôi sẽ ra Nguyễn Cảnh Chân mà biểu tình. Đó mới chính là những thằng hèn, những thằng ngu. Nhân dân giao cho các anh một giang sơn gấm vóc như vậy mà đến nay các anh tàn phá. Quân đội của các anh cùng cực, không có lấy vài cái tàu chiến cho ra hồn để đòi lại đảo… hàng đêm tôi đã khóc vì sự hèn hạ của chính mình và của chính những người Việt Nam mình, những kẻ đang cầm quyền!

Con tàu thổ tả chạy trên cái đường ray khổ một mét đã tồn tại cả trăm năm nay đưa tôi vào đến Sài Gòn. Trái tim bỗng thắt lại khi gặp hình ảnh người thanh niên khỏe mạnh là thế, nay vì 70 triệu đồng (mà còn bị khấu đầu cắt đuôi, nào có đủ!) nay nằm teo tóp trên giường bệnh vì bán thận! Ôi, có phải đồng bào của tôi đó không? Khi nhìn ảnh người thanh niên và cả khi viết những dòng này, tôi đã khóc, khóc vì bất lực. Ở Thụy Điển, Hà Lan, khi nhìn những người thanh niên dù không có công ăn việc làm nhưng sao họ vẫn không bị bần cùng hóa như thế? Và biết bao người già ở bên đó, sao họ không san bớt phúc lợi cho những bà cụ đang bị bọn "cai" bắt đi ăn xin hàng ngày ở Việt Nam? Đây là kết quả của hơn 30 năm đất nước giải phóng sao?

Mua một tờ báo vừa để đọc vừa để che nắng, thì giở ra thấy hàng đống tin cướp của, giết người, nhiều khi chỉ vì vài chục, vài trăm ngàn bạc. Các em gái chỉ mười ba mười bốn tuổi đã mất trinh, thường xuyên đi đêm, sống quần hôn với những em trai đáng nhẽ ra phải chuẩn bị vào trung học, còn đi thi đại học nữa, thì đang "cắn" thuốc lắc và sắp vác dao đi kiếm tiền để chat! Cái ưu việt của chủ nghĩa xã hội đấy sao?

Đang lơ ngơ thì mặt đất rung chuyển, không phải vì động đất ở Trung Quốc mà là vì hàng bao nhiêu bài báo lên tiếng về vụ hai anh nhà báo nào đó bị bắt. À, vụ "Pơmu mười tám" đây mà! Vụ này hồi đó có cái nhà bác Phan Diễn phát biểu hăng lắm, đang PR chuẩn bị lên Tổng bí thư mà. Đùng một cái bác ấy đi đâu mất, để lại một bài toán hóc búa không biết giải như thế nào cho những người ở lại. Lại đùng một cái nữa, báo chí lại lặng phắc như tờ và dân chúng thì ngơ ngác… Chắc là những người ở lại đang tìm lời giải cho bài toán đây! Chắc hẳn đang có sự mặc cả giữa bên Đảng (bác Mạnh) và bên chính quyền (anh Dũng). Việc này, chú cứ để cho anh giải quyết đi, chú cứ đi mà dẹp yên ba cái vụ lạm phát và gạo tăng giá là được rồi! Anh và chú không "xử" được mấy cái này thì lộn nhào như chơi…

Không biết nên buồn hay nên vui? Buồn, có chứ - khi mà vừa có hai anh nhà báo và một chú công an vào ngồi bóc lịch trong trại tạm giam, và một ông tướng nữa đang bị khởi tố. Buồn cho những người trót đi làm công an, nện người xong rồi bị chính anh em của mình nện lại. Buồn cho đất nước khi mà người ta chẳng coi dân ra cái gì! Nhưng cũng đã manh nha một niềm vui bé nhỏ. Xin cảm ơn bác Mạnh anh Dũng, các bác các anh không làm những việc coi thường nhân dân lộ liễu cỡ đó thì làm sao "thổi bùng" được "ngọn lửa phẫn uất" trong nhân dân được đây? Tôi luôn tin ngày mai trời sẽ sáng. Và những giọt nước mắt bất lực, xấu hổ dần được thay bằng nụ cười tin tưởng vào ngày mai… Nhân dân đang lầm than ơi, hãy tin cùng tôi nhé!

Giới Trí Thức

GIỚI TRÍ THỨC, HỌ LÀ AI ?

Trần Việt
(Nguồn Báo Sinh ViênYêu Nước_01)

Trí thức thường được hiểu là một người có trình độ nhất định và bằng cấp chính thức về một lĩnh vực nào đó. Ở Việt Nam, có thể coi trí thức là những người có bằng cấp cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sỹ hoặc giáo sư trong một ngành chuyên môn nào đó. Tuy nhiên, hiểu một cách chính xác thì trí thức là những người, ngoài kiến thức chuyên môn, còn có kiến thức tổng quát về tình hình xã hội. Họ có khả nhân nhận thức độc lập, có khả năng phản biện xã hội. Ngoài ra trí thức còn phải biết quan tâm và có trách nhiệm với vận mệnh tổ quốc và sự phát triển chung của xã hội.

Những người trí thức thường được xã hội nhìn nhận qua bằng cấp, học vị và những cống hiến của họ cho tổ quốc, cho xã hội. Học vị càng cao, cống hiến càng nhiều thì uy tín càng lớn và vì vậy, giá trị lời nói của họ càng cao trong công chúng. Là những người có trình độ, có kiến thức và tinh thần trách nhiệm và cống hiến cho xã hội nên những nhận định và chính kiến của giới trí thức thường được nhiều người ủng hộ. Chính vì vậy, giới trí thức thường là những người khởi xướng và dẫn dắt dư luận. Ngay khi phát hiện những sai trái trong xã hội, với những phát biểu, những bài viết, họ khơi nguồn và dẫn hướng dư luận mà người dân, vì tin tưởng vào họ, sẽ đi theo.

Những luồng dư luận, được khởi sự bằng những nhà tri thức có học vị, uy tín càng cao thì luồng dư luận sẽ càng lớn càng mạnh mẽ. Những người trí thức am hiểu các vấn đề kinh tế xã hội đang diễn ra trên quê hương đất nước của mình cũng như sự thay đổi trên toàn thế giới. Họ là những người đầu tiên phát hiện và đón những cái mới cũng như nhận ra sự sai trái của xã hội, của chính phủ. Cũng do họ là những người có trách nhiệm trước sự tồn vong và phát triển của xã hội nên họ sẽ là những người đầu tiên giống lên tiếng nói cho các phong trào đấu tranh nhằm thay đổi xã hội.

TRÍ THỨC VIỆT NAM

Đối với xã hội Việt Nam ngày nay, do có những gian dối trong việc mua bán bằng cấp cũng như sự yếu kém của hệ thống giáo dục, giới trí thức được nhận biết một cách cảm tính nhiều hơn do những người có bằng cấp, học vị chưa hẳn là những người có trình độ, có kiến thức và hơn cả là có lương tâm và trách nhiệm trước xã hội, đất nước.

Do phải gánh chịu sự khủng hoảng kinh tế từ sau 1975 đến 1986, phần lớn tầng lớp trí thức trong xã hội còn nặng gánh cơm áo tiền mà quên đi trách nhiệm công dân của mình đối với tổ quốc, đối với xã hội. Sau khi giảm thoát khỏi ít nhiều những khó khăn về kinh tế, giới trí thức lại bị bịt mắt bởi đường lối tuyên truyền mị dân của cộng sản khiến nhiều nhà trí thức nhận thức lệch lạc và mơ hồ. Và cũng do tính chất xã hội và hệ thống chính trị Việt Nam mang tính độc tài và trấn áp dã man, những người càng có học vị cao càng có kiến thức cao lại càng né tránh trách nhiệm của mình trước xã hội. Phần lớn những người có trình độ và trí thức ở Việt Nam ngày nay, phần vì muốn an phận, phần thì chưa tìm được tiếng nói chung với những nhà trí thức khác, phần thì do hệ thống thông tin chịu sự khống chế hoàn toàn của đảng Cộng sản và chính phủ nên họ không dám lên tiếng, không dám bảo vệ chính kiến của mình.

Ngày nay, khi mà cái ăn, cái mặc không còn là mối bận tâm bức thiết của tầng lớp trí thức, họ bắt đầu quan tâm nhiều hơn về cộng đồng, xã hội và tổ quốc. Cùng với sự phát triển nhanh của hệ thống thông tin, giới trí thức đã có cái nhìn khách quan hơn về tình hình đất nước và thế giới. Khả năng tìm kiếm và tụ họp những người cùng chí hướng cùng quan điểm cũng trở nên dễ dàng đã làm cho giới trí thức mạnh dạn hơn và hàng loạt các tổ chức và chính đảng ra đời nhằm đấu tranh cho dân chủ nhân quyền cho nhân dân Việt Nam.

TRÍ THỨC VIỆT NAM VÀ CON ĐƯỜNG ĐẤU TRANH DÂN CHỦ
Nhận định về xã hội Việt Nam ngày nay

Xã hội Việt Nam ngày nay có thể nói là suy sụp hoàn toàn từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, giáo dục.
Thật vậy, trước bối cảnh kinh tế toàn cầu, năng lực cạnh tranh của Việt Nam được đánh giá rất thấp (91/178 theo đánh giá của ngân hàng thế giới). Các tập đoàn, công ty quốc doanh được cổ phần hóa vẫn chịu sự quản lý của nhà nước (nhà nước chiếm hơn 51% cổ phần) phần lớn làm ăn thua lỗ lại nhận được những ưu tiên của chính phủ đã khiến các thành phần kinh tế tư nhân bị hạn chế khả năng cạnh tranh.

Hệ thống hành chánh và luật pháp vẫn còn rất nhiêu khê và không theo kịp đà phát triển của xã hội Việt Nam và thế giới đã ngăn cản và hạn chế khả năng thâm nhập thị trường thế giới của các công ty Việt Nam cũng như làm giảm bớt các dự án đầu tư trực tiếp cũng như kế hoạch giải ngân của các công ty đầu tư nước ngoài.

Văn hóa xã hội Việt Nam ngày càng suy đồi nghiêm trọng. Con người đối xử với nhau ngày càng giả dối và xảo trá. Các doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bán rẻ lương tâm và trốn tránh trách nhiệm của mình trước xã hội. Người công nhân đi làm thờ ơ với công việc, vì đồng tiền mà bán rẽ nhân phẩm của mình. Tuổi trẻ ngày nay mất phương hướng và không lý tưởng.

Giáo dục yếu kém và nặng về hình thức. Học sinh bị nhồi nhét trong một chương trình giáo dục không phù hợp gây nên tình trạng căng thẳng và hình thành xu hướng đối phó trong học tập thay vì sự khao khát muốn hiểu biết. Với lối tuyên truyền xảo trá, mị dân đã khiến cho nhận thức của giới trẻ ngày càng lệch lạc. Giáo viên do chạy theo hình thức và đồng tiền đã dần đánh mất đạo đức nghề nghệp vốn là nghề cao trọng nhất trong xã hội. Hầu như không còn tình nghĩa thấy trò trong mối quan hệ thiêng liêng cao quý này.

Một hệ thống tham nhũng hình thành xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Điều đáng sợ là tội tham nhũng lại được bao che và dung dưỡng bởi chính nhà nước từ cấp cao nhất. Một nền chính trị yếu kém, nhu nhược và tàn bạo. Đối với nhân dân thì đàn áp dã mãn, đối với ngoại bang thì cúi đầu vâng dạ. Trước một Trung Quốc ngang ngược và tham lam, chính phủ Việt Nam đã bao nhiêu lần cắt đất tìm sự hậu thuẩn cho đường lối chủ nghĩa xã hội mang nhiều khiếm khuyết.
Trí thức Việt Nam và con đường đấu tranh dân chủ

Một cá nhân luôn luôn phải sống trong lòng xã hội, phát triển trong sự liên thông với sự phát triển của dân tộc của quốc gia. Một quốc gia có được độc lập, tự do thì mỗi công dân trong quốc gia đó, trong dân tộc đó mới được tự do. Một quốc gia, một xã hội có văn minh thì sự văn minh đó chính là môi trường thúc đẩy cho sự văn minh tiến bộ của mỗi thành viên trong xã hội đó. Một quốc gia có tạo được uy tín và sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế thì công dân nước đó mới cộng đồng quốc tế được tôn trọng.

Nước Việt Nam chúng ta ngày nay có được tự do hay không? Đã bao nhiêu lần nhân dân Việt Nam chúng ta chấp nhận đổ máu, phơi xương cho độc lập dân tộc, cho thống nhất nước nhà. Thế mà ngày hôm nay người dân Việt Nam vẫn phải chịu nô lệ, chịu sự áp bức của chính những con người Việt Nam cộng sản. Quyền con người bị chà đạp, mạng sống người dân thì mỏng manh trong bàn tay cộng sản. Lãnh thổ quốc gia ngày càng nhỏ lại dưới sự lấn át và cướp đoạt của Trung Cộng. Một chính phủ bù nhìn bạc nhược hết lần này đến lần khác cắt đất dâng biển để ôm chặt cái ghế và quyền lợi của riêng mình.

Nước Việt Nam chúng ta được thế giới nhìn nhận và đánh giá như thế nào? Việt Nam ngày nay được cả thế giới đặc biệt quan ngại về tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng. Việt Nam ngày nay được nhiều nước ưu ái viện trợ chống đói nghèo. Việt Nam ngày nay có hàng vạn hàng vạn người đua nhau ra nước ngoài làm lao dịch. Việt Nam ngày nay có những quan to lấy tiền viện trợ đi đánh bài, đi xây nhà nghỉ đến mức bị cắt viện trợ nữa chừng. Việt Nam ngày nay bị cấm cấp visa qua Séc (Tiệp Khắc) vì tình hình tội phạm người Việt tăng cao. Việt Nam ngày nay có những nhân viên đại sứ quán buôn lậu. Việt Nam ngày nay có những cô gái được đem ra nước ngoài rao bán như những món hàng.

Đâu rồi một Việt Nam với lịch sử hào hùng 4.000 năm văn hiến?
Đâu rồi một dân tộc Việt Nam đầy bất khuất, trung kiên?

Người dân Việt nam hôm nay có thể sống tự do hay không? Có thể sánh vai với anh em thế giới hay không? Trước bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, tầng lớp trí thức phải là những người đầu tiên hiểu rõ sự suy tàn của dân tộc, của đất nước. Giới trí thức phải cảm nhận được nỗi đau của đất nước, sự thống khổ của nhân dân, sự tàn ác của chế độ.

Không ai trong chúng ta có thể chấp nhận được sự suy tàn của xã hội Việt Nam ngày nay. Không ai trong chúng ta có thể chấp nhận được sự độc đoán và tàn ác của chế độ cộng sản. Bởi vì sự suy tàn của xã hội làm cho người dân bị thế giới khinh khi. Bởi vì sự tàn ác và độc tài của chế độ cộng sản làm cho người dân Việt Nam bị quốc tế ghê sợ, xa lánh. Người dân Việt Nam dưới chế độ cộng sản không còn là những con người thực sự. Chúng ta bị cấm nói, cấm nghe và bị tước đoạt mọi quyền sống cơ bản của con người. Vì vậy, tầng lớp trí thức phải hiểu rõ trách nhiệm và sứ mạng của mình trước vận mệnh của dân tộc, quốc gia. Trí thức phải là những người đầu tiên giống lên những hồi chuông cảnh tỉnh xã hội. Trí thức phải là những người đi tiên phong cho các phong trào đấu tranh cho sự tự do, dân chủ và thăng tiến của dân tộc, của quốc gia.

Con đường đất tranh cho tự do và sự tồn vong của dân tộc hôm nay là một con đường đầy khó khăn và gian khổ, là một quá trình kéo dài không hạn định.

Con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ hôm nay không của riêng ai, không phải của đảng này hay đảng khác, không phải của cá nhân này hay cá nhân khác.

Con đường đấu tranh cho tự do và dân chủ hôm nay là của tất cả mọi người mà vai trò lãnh đạo và đi tiên phong là của những người trí thức, ý thức được trách nhiệm của mình trước vận mệnh của quốc gia và nỗi đau của dân tộc.

Hơn ai hết, những nhà trí thức phải thấy rõ vai trò và trách nhiệm của mình trên đoạn đường gian khó này mà chấp nhận những bước đi tiên phong, nhằm khơi lên những làn sóng dư luận và hướng dẫn cho toàn dân tham gia đấu tranh để có thể đi tới thắng lợi cuối cùng.

Đâu rồi những cử nhân, những kỹ sư, những bác sĩ? Đâu rồi những giáo sư, tiến sĩ, những nhà trí thức của dân tộc Việt Nam ? Hãy cất lên tiếng nói của chính mình cho vận mệnh của đất nước, cho sự tồn vong của dân tộc.

Việt Nam, ngày 30 tháng 1 năm 2009

Đầu Năm Mới

ĐẦU NĂM MỚi - NHẮC CHUYỆN CŨ ĐỂ CÙNG SUY NGHĨ VỀ VẬN MỆNH NƯỚC TA HIỆN NAY.

Hoàng Kim
(Nguồn Báo Sinh Viên Yêu Nước_ Số 01)

Các bạn thanh niên, sinh viên, học sinh thân mến!

Thế là chúng ta đã bước qua năm mới, năm 2009. Nhìn lại những năm vừa qua, chúng ta không khỏi không suy nghĩ cho tình hình đất nước hiện nay như tham nhũng, lạm phát, tai tiếng...Nhưng cái đáng sợ nhất cho chúng ta, dân tộc ta là đất nước đang bị xâm hại dần dần. Bọn Bành trướng Trung Quốc đã bao đời có dã tâm lấn xuống phương Nam. Chúng đã từng sáp nhập nước ta thành châu huyện của chúng và đồng hóa dân ta theo Tàu. Nhưng với tinh thần bất khuất, lòng yêu nước nồng nàn, lòng tự hào dân tộc, tổ tiên ta bao đời đã đánh cho chúng những đòn chí mạng.

Có lần thời nhà Lý, danh tướng Lý Thường Kiệt đã từng đem quân đánh tận sang Tàu chiếm cả vùng thuộc Quảng Đông bây giờ. Chúng ta không tự hào sao được khi vó ngựa quân Mông Cổ cày nát cả mặt đất từ Á sang Âu lập nên một Đế Quốc hùng mạnh. Mông Cổ đã chiếm trọn Trung Hoa và cai trị, song chúng gặp một đối thủ rất nhỏ bé nhưng khó nuốt là nước Đại Việt (tức Việt Nam ta ngày nay). Còn gì nhục nhã hơn cho bọn xâm lăng Nguyên Mông khi chính Thái Tử Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để trốn. Một đội quân bách chiến bách thắng nhưng lại bị đại bại đến ba lần tại đất Việt để rồi sau đó từ bỏ cuộc xâm lăng.

Lịch sử ta cũng có những kẻ chỉ vì ngôi vị mà rước voi về dày mã tổ. Những Kiều Công Tiễn (thời tiền Ngô Quyền), Trần Ích Tắc, Trần Thiêm Bình (nhà Trần), ta chắc không quên một ông vua cuối đời Mạc tự trói mình quỳ ở Ải Nam Quan cầu Phương Bắc tiếp viện. Bọn xâm lăng chỉ chờ có thế để lấy cớ xâm lăng. Do chúa Nguyễn Ánh cầu viện nên quân Xiêm và sau đó là quân Pháp mới có cớ đặt chân lên đất nước ta. Cũng vì vua Lê Chiêu Thống mà bọn Thanh Triều mới có cớ xua quân sang chiếm nước ta, nhưng vì lòng yêu nước nên quân dân ta giáng cho chúng không còn manh giáp. Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử ở Gò Đống Đa, Tôn Sĩ Nghị quăng giáp chạy trốn...

Sau khi ta dành lại chủ quyền từ tay người Pháp thì một lần nữa Trung Hoa lại muốn thôn tính nước ta. Đầu tiên lấy cớ Trịnh Hòa thời nhà Minh đã từng đến quần đảo Hoàng Sa nên bọn chóp bu Trung Nam Hải đã đòi vùng biển phương Nam vào ngày 4 tháng 9 năm 1958. Sau khi đượcThủ Tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là ông Phạm Văn Đồng ký công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 công nhận vùng biển 12 hải lý là thuộc quyền kiểm soát của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Cộng) bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 mà lúc đó đang thuộc lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa. Vì cớ công hàm đó mà Trung Quốc đã ôm mộng lấy 2 quần đảo và vùng biển phía Nam. Chúng đã đánh úp chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1974 và gặp sự chống trả mãnh liệt của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa nhưng vì thế yếu nên phần lớn binh lính VNCH bị hy sinh và bắt làm tù binh. Tướng Ngụy Văn Thà đã hy sinh anh dũng và được ghi vào Quân sử VNCH. Sau đó chúng tạo cuộc chiến tranh biên giới sau khi Việt Nam thống nhất hai miền được vài năm với Quốc hiệu là nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đánh Trường Sa năm 1988, một lần nữa máu của những người lính Hải Quân Nhân Dân Việt Nam đã nhuộm đỏ Trường Sa.

Sau khi bình thường hóa với Việt Nam năm 1991 Trung Quốc đã nhiều lần khiêu khích với Hải Quân Nhân Dân Việt Nam tại hai quần đảo này, đa số các đảo bị Trung Quốc chiếm. Vào khoảng năm 2006 bọn hải quân Trung Cộng đã giết hại các ngư phủ Việt Nam ngay tại biển nhà. Năm 2007 chúng tuyên bố lập huyện Tam Sa bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa để sáp nhập vào tỉnh Hải Nam Trung Quốc. Chúng cản trở không cho công ty BP đã ký với Việt Nam khai thác dầu mỏ tại biển nhà. Trắng trợn hơn nữa, Trung Quốc mới đây còn đòi bãi Tục Lãm Quảng Ninh của Việt Nam.

Hỡi các anh chị em thanh niên, sinh viên, học sinh!

Là người Việt Nam ai mà không lo trước nỗi đau mất nước. Gương chiến đấu hy sinh của các bậc tiền nhân còn đó. Dã tâm của Hán Tộc đối với Nước ta cứ âm ỷ, dai dẳng hàng thế kỷ, hàng năm, hàng ngày thậm chí hàng giờ. Trước sự an nguy của đất nước, nhiều tổ chức hội đoàn, đảng phái...đã bày tỏ ý kiến phản đối. Thanh niên, sinh viên học sinh, nhà báo xuống đường biểu tình ở cả hai miền Nam Bắc (Hà Nội, Sài Gòn...) bị chính quyền của nước mình cấm cản. Những người yêu nước dấn thân chỉ vì bày tỏ quan điểm chống Tàu mà bị cầm tù như nhà giáo Vũ Hùng, anh Phạm Văn Trội, cô Phạm Thanh Nghiên, nhà văn Nguyễn Xuân Nghiã, sinh viên Ngô Quỳnh, nhà thơ Trần Đức Thạch, nhà viết blog Điếu Cày ... Vì sao vậy? Điều này chúng ta ai cũng đều biết. Thanh niên chúng ta ngày nay không đứng lên để bảo vệ Tổ Quốc thì còn ai nữa.

Xin mượn bài hát SÁNG DANH LẠC HỒNG để kết thúc bài viết này.

Một người ngã gục là mười người đứng lên.
Mười người ngã gục là ngàn người đứng lên.
Ngàn người ngã gục là vạn người đứng lên.
Mình mà ngã gục là dòng Lạc Hồng đứng lên.
Đứng lên đứng lên cùng một lòng, cứu nguy, cứu nguy từ địa ngục. Dù xương rơi trắng đồng. Đồng hoang loang máu hồng cho quê hương, cho quê hương muôn năm vẫn còn, muôn năm vẫn còn.

Còn quê hương thì còn cơm ngon.
Còn quê hương thì còn danh thơm.
Còn quê hương thì còn yêu thương và còn tất cả, tất cả, tất cả những gì thiết tha.

Việt Nam, ngày 1/2/2009.

Truyền Đơn

Hàng Trăm Tờ Truyền Đơn Đang Lưu Hành Công Khai Ở Hà Nội.


Ngày 20 tháng 2 năm 2009 – Hàng trăm tờ giấy bạc có nội dung phản đối đảng CSVN nhu nhược, bán đất, nhượng biển và cho Trung Quốc khai thác Bô-Xít (Bauxite) ở Tây Nguyên, đã và đang lưu hành công khai ở Hà Nội.

Theo thông tin chúng tôi ghi nhận, những tờ giấy bạc loại 1000, 2000, 5000 và 20,000 đồng Việt Nam đã được sinh viên rải tại một số chổ mua bán, chợ, các Ký Túc Xá và Trường Đại Học trong nhiều ngày qua. Hiện nay công an và an ninh đang ráo riết truy lùng các nổ lực chống đối này. Các loại giấy bạc đều có nội dung giống nhau:

- Đả đảo bọn bán nước trong nội bộ đảng CSVN đã bán Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, Hoàng Sa, Trường Sa.....!
- Đả đảo đem giặc về khai thác Bô-Xít ở Tây Nguyên

Bên cạnh sự kiện Trung Quốc chiếm đóng Trường Sa và Hoàng Sa, đang liên tục xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Mới đây, đảng CSVN lại cho Trung Quốc vào Tây Nguyên khai thác Bô-xít (Bauxite). Hành động này sẽ gây ra thảm họa cho dân tộc vì hậu quả của việc tàn phá mội trường và tạo điều kiện cho Trung Quốc xâm lược Việt Nam theo sách lược “tầm ăn dâu”.

Phóng viên chúng tôi được biết, vừa qua tại trường Đại Học Khoa Tự Nhiên ở Linh Trung, Thủ Đức, nhiều sinh viên đã chuyền tay nhau xem tờ truyền đơn có nội dung phản đối đảng CSVN đã "bán đất, nhượng biển" cho Trung Quốc. Đây là tờ truyền đơn đã được Đảng DCND rải tại Thủ Đức, Biên Hoà và Nha Trang ngày 6 tháng 2. Vì hành động này, nhiều sinh viên đã bị công an bắt đi làm việc, riêng sinh viên nhặt tờ trường đơn đã bị nhà trường đình chỉ học tập, đang bị công an điều tra và truy bức vì họ không tin anh ấy chỉ nhặt được một tờ truyền đơn.


Truyền đơn rải ở Thủ Đức, Biên Hòa và Nha Trang ngày 6 tháng 2 năm 2009

Cách đây hai tuần, tại Sài Gòn, trên khúc đường Nguyễn Thượng Hiền cũng đã xảy ra sự kiện rải truyền đơn ngay giữa ban ngày. Người rải còn trẻ, có thể là sinh viên, đã bị công an bắt khi anh vừa rải xong. Nội dung tờ truyền đơn và Tổ chức liên hệ đến vụ rải truyền đơn này chúng tôi chưa có thông tin.

Hiện nay đã có nhiều sự chống đối, rất mạnh mẽ và lan rộng, từ trong bộ nội bộ đảng CSVN cho đến tầng lớp nhân dân, giới trí thức, thanh niên và sinh viên học sinh. Vì quyền lợi chính trị, đảng CSVN đã phản bội lại chủ quyền và lợi ích của dân tộc. Đảng CSVN phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước lịch sử về những hành động của họ.

Phóng viên Đảng DCND – Việt Nam

Lãnh Thổ, Lãnh Hải Tổ Quốc

Lãnh Thổ, Lãnh Hải Tổ Quốc - Sự Trăn Trở Của Một Số Cựu Chiến Binh Và Giáo Chức Hà Nội

Chúng tôi là một số CCB và giáo chức ở khu vực Hà Nội xin bày tỏ với các lãnh đạo đảng CSVN về những điều phiền muộn của mình trước tình trạng chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc đang có nhiều hiện tượng rất không bình thường và đáng lo ngại.

Nỗi đau của người Việt Nam trong nước và ngoài nước chưa một phút nguôi ngoai khi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ 1974 và một phần quan trọng của quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc và nước ngoài cưỡng chiếm từ 1988. Để hợp thức hóa cho việc cưỡng chiếm hai quần đảo HS – TS, Trung Quốc ngày 2/12/2007 đã có quyết định thành lập thành phố Tam Sa thuộc tỉnh đảo hải Nam Trung Quốc bao gồm hai quần đảo này của Việt Nam. Nhiều năm qua phía Trung Quốc đã gây ra nhiều thiệt hại về người và của cho nhân dân Việt Nam, những ngư dân vô tội Việt Nam khai thác trên vùng biển thuộc lãnh hải từ ngàn xưa ông cha để lại đã nhiều lần bị tàu hải quân Trung quốc đuổi bắt, bắn giết dã man đặc biệt là vụ 9 ngư dân Hậu Lộc và Hoằng Hóa Thanh hóa bị giết hại, 8 ngư dân bị bắt ngày 8/1/2005… Trung Quốc đã dùng sức ép buộc các công ty Bristish Petroleum của Anh, công ty ExxonMobil của Mỹ phải rút giấy phép thăm dò năng lượng trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt nam … Gần đây Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc ( CNOOC ) thông báo dự án 29 tỷ USD để phát triển các mỏ năng lượng trên suốt vùng biển đông đang bị tranh chấp mà trước đây thuộc hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo vietnamnet 10/12/2008, Cục Hải dương Trung Quốc đã họp báo công bố chủ trương khuyến khích các đơn vị, cá nhân khai thác, sử dụng các đảo không có người ở, với mục đích được gọi là " bảo vệ chủ quyền biển của Trung Quốc " ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hàng trăm con dân đất Việt đã dũng cảm hy sinh trong nhiều cuộc chiến không cân sức với kẻ ngoại bang để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nhưng họ chưa một lần được chính thức tôn vinh công khai. Và thực tế lịch sử không ai có thể phủ nhận được về biên giới lãnh hải của Việt Nam trong mấy thập niên qua đã bị Trung Quốc xâm lấn thì ngày 02/01/2009, trả lời báo Điện tử Vietnamnet Thứ trưởng Bộ ngoại giao Vũ Dũng đã khẳng định như đinh đóng cột: "Không có chuyện Việt Nam mất đất, cắt đất cho nước này, nước kia như một số mạng nước ngoài đưa tin". Thấy điều khẳng định đó vẫn còn lỏng lẻo, ông Vũ Dũng còn củng cố thêm: "Những mạng này do thiếu thông tin hoặc cố tình làm sai lệch thông tin và những ý đồ khác nhau".

Chúng tôi rất trăn trở về lời khẳng định này.

Trước hết chúng tôi xin được thắc mắc:

● Vì sao rất nhiều SGK, nhiều tài liệu và nhiều thế hệ học sinh được ghi nhận rằng: Diện tích phần đất liền của đất nước là 330.991 km2 và một phần biển có diện tích gấp nhiều lần phần đất liền (Niên giám thống kê 1996) thì lại có rất nhiều SGK in vào những năm 2006 – 2007 lại đưa ra con số 329.297 km2 cho diện tích phần đất liền (Niên giám thống kê 2003). Vậy diện tích 1694 km2 đến 2003 mất đi đâu ? Giải thích thế nào hiện nay SGK 2008 lại đưa ra con số mới cộng cả phần đất liền với phần diện tích các đảo là 331.212 km2 (Niên giám thống kê năm 2006). Vậy chính thức riêng phần đất liền theo niên giám 2006 chúng ta có diện tích là bao nhiêu?

● Thác Bản Giốc theo ông Vũ Dũng chúng ta chỉ thực sự có chủ quyền ở phần thác phụ, phần thác chính đẹp nhất, hoành tráng nhất lại thuộc về phía Trung Quốc. Trong khi đó nhiều thế hệ người Việt Nam đã được giáo dục là toàn bộ thác Bản Giốc là kỳ quan của Việt Nam, một danh thắng được in hình trong nhiều tranh ảnh, sách vở, tem thư… của Việt Nam. Trong cuốn "Vấn đề Biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc" NXB Sự thật đã ấn hành sau cuộc chiến tranh biên giới 1979 đã khẳng định : "Tại khu vực mốc 53 xã Đàn Thuỷ - huyện Trùng Khánh - tỉnh Cao Bằng trên sông Quy Thuận có thác Bản Giốc từ lâu là của Việt Nam và chính quyền Bắc Kinh cũng đã công nhận sự thật đó" (Trang 11).

● Khu vực Hữu nghị quan trước kia được gọi là Mục Nam Quan, Trấn Nam Quan, Ải Nam Quan… Ông Vũ Dũng lại tuyên bố tất cả nằm trong lãnh thổ của Trung Quốc! Trong khi đó cũng theo cuốn sách kể trên lại viết: "Trung Quốc đã phá nát cột mốc 18, xoá vết tích đường Biên giới lịch sử rồi đặt cột km số 0 vào sâu lãnh thổ Việt Nam trên 100 m và coi đó là quốc giới giữa hai nước ở khu vực này". (Trang 10).

● Chúng tôi thật sự không hiểu nổi Đảng và nhà nước CSVN phát huy quyền làm chủ của nhân dân nhưng lại ngăn chặn, sách nhiễu, đàn áp, bắt những người dân biểu tình bày tỏ lòng yêu nước một cách ôn hòa như : cuộc biểu tình ngày 9 và ngày 16/12/2007 để phản đối Trung Quốc có quyết định thành lập thành phố Tam Sa bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; cuộc biểu tình 29/4/2008, phản đối Trung Quốc chính trị hóa việc rước đuốc có liên quan đến việc sát nhập bất hợp pháp hai quần đảo HS - TS vào bản đồ của Trung Quốc.

● Chúng tôi nghĩ: Khẳng định về diện tích lãnh thổ, về vấn đề đường biên giới, vấn đề cột mốc là vấn đề hết sức hệ trọng. Vấn đề đó phải có tiếng nói của nhân dân tức là trưng cầu dân ý. Mặt khác, các quyết định của quốc hội vừa qua (nếu có) cũng không thể coi là hợp lòng dân vì khi thay đổi hiến pháp, thể chế này chưa từng bao giờ trưng cầu dân ý như quy định của hiến pháp đầu tiên năm 1946.

● Chúng tôi cũng như dư luận vô cùng phiền muộn trước vận mệnh của đất nước. Còn nhớ, tháng 12/2007 trong số chúng tôi cùng đứng tên một bức thư kêu gọi người dân có trách nhiệm trước vận mệnh đất nước - khi đó Trung quốc vừa thành lập Tam Sa. Sau đó ít lâu thầy giáo Vũ Hùng ( ở Hà Tây cũ ) đã trở thành người tù lương tâm vì đứng tên trong bức thư đó; nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, chị Phạm Thanh Nghiên (ở Hải phòng ), nhà thơ Trần Đức Thạch (ở Nghệ An ), sinh viên Ngô Quỳnh v.v... đang bị giam giữ cũng vì những lý do tương tự. Chúng tôi tin họ là những người vô tội.

Thầy giáo Vũ Văn Hùng hiện vẫn bị giam giữ tại trại giam số 1 Hà nội với số tù 4436Z. Thầy cũng là một trong số các thầy giáo viết thư ủng hộ sinh viên biểu tình chống thành lập Tam sa của Trung quốc.

Trong thời khắc hệ trọng này chúng tôi kiến nghị:

1. Sớm công bố chính thức bản đồ phân định biên giới, biển, đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc song song với việc công bố công khai bản đồ phân giới giữa chính quyền thực dân Pháp và triều đình nhà Thanh để đối chứng. Trong gần 100 năm thuộc địa, dưới sự cai trị và bảo hộ của đế quốc Pháp chẳng lẽ đất đai của quốc gia ngày nay khi có độc lập , chủ quyền lại có chu vi và diện tích nhỏ hơn hồi mất hết chủ quyền.

2. Quốc hội, những người có trách nhiệm phải rà soát và huỷ bỏ những điều khoản luật, thông tư, chỉ thị, nghị định, quyết định … không phù hợp với nội dung và tinh thần điều 69 của hiến pháp. Để nhân dân có quyền bày tỏ và thể hiện lòng yêu nước chính đáng một cách hòa bình của mình mà không bị cản trở, ngăn chặn, sách nhiễu …như đã từng chịu đựng khi các cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên và các chiến sĩ dân chủ xảy ra trong những năm qua.

3. Nếu thực sự vì nước vì dân, Đảng và nhà nước CSVN nên cầu thị, tuân theo nguyện vọng của đại đa số ngưồi dân, tôn trọng thế trận lòng dân nhằm nâng cao sức đấu tranh của nhân dân một cách hòa bình và hữu hiệu để đòi lại những phần lãnh thổ, lãnh hải bị lấn chiếm mà vẫn giữ mối tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước Việt – Trung. Đừng cố tình đẩy nhiều thế hệ người Việt Nam hôm nay cũng như mai sau vào những khó khăn không đáng có khi phải tranh đấu đòi lại chủ quyền đích thực của dân tộc mình với những hậu quả để lại tương đương hay nặng nề hơn công hàm năm 1958 của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi ông là đại diện đã đặt quyền lợi của đảng trên quyền lợi dân tộc, quyền lợi của chủ nghĩa cộng sản trên quyền lợi đất nước.

Một số giáo chức và CCB ở khu vực Hà Đông – Hà Nội
Đồng ký tên (14/01/2009)

CCB Nguyễn Hữu Thịnh, Thầy giáo Nguyễn Văn May, Thầy giáo Nguyễn Thượng Long
Thầy giáo Nguyễn Thanh Nhàn, Thầy giáo Phan Văn Hùng, Thầy giáo Vũ Mạnh Hùng