Wednesday, April 1, 2009

Ma Chiến Hữu

NGHĨ GÌ VỀ VIỆC TÁC PHẨM “MA CHIẾN HỮU” CỦA TRUNG QUỐC ĐƯỢC DỊCH VÀ LƯU HÀNH Ở VIỆT NAM?


Hoàng Kim

Như chúng ta đã biết, mới đây dư luận xôn xao về việc một tác phẩm của Trung Quốc được dịch và bày bán công khai ở Việt Nam. Đó là tác phẩm Ma Chiến Hữu của tác giả Mạc Ngôn do Trần Trung Hỷ dịch sang tiếng Việt và được nhà xuất bản Phương Nam ấn hành.

Câu chuyện kể về cuộc gặp mặt (trùng phùng) ngẫu nhiên giữa Triệu Kim và Tiền Anh Hào và sau đó là những kỷ niệm và hồi ức lại những sinh hoạt lúc còn sống, những cuộc chiến đấu giữa ta (Trung Quốc) và địch (Việt Nam), những hy sinh của đồng đội và những nuối tiếc ân hận vì cuộc chiến tranh phi nghĩa (xem trang 56 và 57).

Nếu đây là một tác phẩm bình thường thì không có gì đáng nói. Hoặc giả dụ như nó được phát hành tại một Quốc Gia bình thường nào cũng không có gì bàn cãi nhưng tác phẩm này lại được lưu hành ở Việt Nam, thế mới đáng nói chứ? Tác phẩm này có tên gốc tiêng Trung Quốc là “Chiến hữu trùng phùng” nói về những hồn ma là những người lính Trung Quốc chết trận khi giao chiến với Việt Nam. Chúng ta thấy ở trang đầu tiên của tác phẩm, họ đã viết “ Một cách nghĩ khác về chiến tranh. Một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng. Cuộc đối thoại giữa hai cõi âm dương, sự vướng luỵ của con người và ma quỷ.”

Một cách nghĩ khác về chiến tranh là sao? Có phải là do Việt Nam gây hấn và người Trung Quốc chống trả để tự vệ? và họ đã ngã xuống như nhân vật Tiền Anh Hào trong truyện là anh hùng vì đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ tổ quốc Trung Hoa vĩ đại...Trong suốt nội dung chỉ là kể về những ký ức của hồn ma nhưng những từ sử dụng trong truyện nào là địch, quân thù... đều ám chỉ Việt Nam. Xin trích một đoạn: “... Đúng lúc ấy, một mệnh lệnh đã được ban bố rằng, những chiến sĩ nhập ngũ năm bảy sáu bảy bảy không ai được phục viên vì ở phía Nam đang đánh nhau. Chúng tôi vui thầm trong bụng. Làm một người lính thời hoà bình chẳng có ý nghĩa gì cả, cuối cùng chúng tôi cũng đã có cơ hội để thể hiện mình. So với tôi, Tiền Anh Hào còn hưng phấn hơn tôi rất nhiều lần, đem bộ quân phục mới trả cho tôi và nhận lại quân phục cũ của mình. Trung tâm quân dự bị mở hội nghị, tổ chức liên hoan để tiễn chiến sĩ ra tiền tuyến. Chiến sĩ viết thư bằng máu để thể hiện quyết tâm, cho đến nay ngón tay tôi vẫn còn một vết dao cứa lấy máu viết thư. Trung đội trưởng, chính trị viên đều chúc rượu, nói: Chúc đồng chí lập công, giết nhiều địch để làm rạng danh quân đội anh hùng.” ( Trang 17). Nếu phòng văn hoá thông tin của Việt Nam duyệt cho in sách này như thể mặc nhiên họ cho rằng suy nghĩ quan điểm của Trung Quốc là đúng, là chính nghĩa (?), và quân đội Trung Quốc xứng đáng là quân đội anh hùng còn bên Việt Nam chính là giặc (?).

Qua sự việc này ta thấy nhà cầm quyền Việt Nam đã thể hiện bản chất ương hèn qua việc để cho một tác phầm truyện Trung Quốc bôi nhọ và sỉ nhục tổ quốc và những người lính Việt Nam đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc là vô ích. Nếu nói đây chỉ là truyện, là tiểu thuyết của Trung Quốc, tác giả chỉ dịch ra và nhà xuất bản in lên thế thôi thì đúng là nguỵ biện. Vì sao? Chắc mọi người dân Việt Nam đều biết những bài viết trung thực, những tiếng nói dân chủ, những bài phản ánh chống quan lớn tham nhũng thì cho là bất lợi cho Đảng Cộng Sản và bị kiểm duyệt, cắt xén, trong khi những câu những chữ trong truyện Ma Chiến Hữu xúc phạm đến người Việt Nam chúng ta thì vẫn cho lưu hành? Thật là nực cười.


Đọc Ma Chiến Hữu trên đất Việt Nam, chúng ta tưởng chừng như đang ở trên đất Trung Quốc hoặc một thuộc địa nào đó của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Hảy nhìn lại vào cuối năm 2008 khi mà sinh viên Việt Nam xuống đường ở Hà Nội và Sài Gòn cùng biểu tình việc Trung Quốc đòi sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì bị chính công an Việt Nam đàn áp bắt bớ trong khi vẫn để cho thanh niên Trung Quốc nghênh ngang trên đất Việt biểu tình với khẩu hiệu và biểu ngữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc”.

Ngày nay một lần nữa Đảng Cộng sản Việt Nam tự thừa nhận mình là thuộc hạ của Tàu Cộng qua việc để cho Ma Chiến Hữu xuất hiện tại Việt Nam làm tổn thương những chiến sĩ đã ngã xuống vô ích.

Ta hãy xem một số ý kiến gần xa thông qua web, blog...

Hien H's Blog đã viết như sau:

"Ma Chiến Hữu" chỉ là một hiện tượng riêng lẻ trong tình trạng xuất bản và lưu hành tràn lan và vô nguyên tắc các ấn phẩm TQ trong thời gian qua. Trao đổi văn hóa tương xứng 2 chiều sẽ làm tăng sự hiểu biết giữa các dân tộc. Nhưng sự thâm nhập văn hóa 1 chiều, cho dù không có yếu tố chính trị hay độc hại, cũng vẫn là sự xâm lăng văn hóa. Ta có thể nhận thấy, không chỉ riêng tác phẩm này của Mạc Ngôn, việc xuất bản và truyền bá các ấn phẩm, phim ảnh TQ tràn lan trong nhiều năm trở lại đây về các vấn đề lịch sử, văn hóa , trong khi thiếu vắng những tác phẩm và phim ảnh Việt Nam về những vấn đề tương tự đã dẫn đến người ta thuộc sử Tàu hơn sử Việt, dần dần sẽ làm cho người VN, nhất là thế hệ trẻ, nhìn nhận các vấn đề theo quan điểm của người Trung Quốc.

Lỗi này có thể gây ra bởi các nguyên nhân sau:

1) Các nhà văn của chúng ta bỏ trống "trận địa", không có các tác phẩm văn học nghệ thuật tương xứng.

2) Chúng ta có các tác phẩm tương xứng nhưng Nhà nước không cho lưu hành.

3) Cả hai nguyên nhân trên.

Theo tôi cả Nhà nước và các nhà văn của chúng ta đều cần phải kiểm điểm lại xem lỗi do đâu.

Trở lại cuốn" Ma Chiến Hữu", mặc dù về lý thuyết, nhiều người đã nói không sai khi cho rằng nên đọc và cảm nhận nó như 1 tác phẩm văn học, "để biết những người lính TQ nghĩ gì về cuộc chiến cũng là điều thú vị..." v.v..., nhưng tôi vẫn cho rằng tại thời điểm này, tốt hơn là chưa nên lưu hành 1 cuốn sách như vậy ở VN khi chúng ta chưa có những tác phẩm tương xứng để người TQ biết những suy nghĩ của nhân dân VN và những người lính VN về cuộc chiến. Ngay cả giới trí thức, những người đọc rộng hiểu sâu còn có những cảm nhận khác nhau về cuốn sách thì ai dám chắc đa số những người trẻ tuổi, những người sinh ra và lớn lên hàng chục năm sau cuộc chiến, đã đủ tỉnh táo để chỉ tìm thấy sự "thú vị" trong việc "xem quan điểm của người TQ thế nào...", hay là họ sẽ dần dần suy nghĩ, đánh giá các sự kiện theo cách nghĩ của người TQ. Có thể nói, phần lớn họ chưa hội đủ những hành trang cần thiết để có thể "cảm" được cuốn sách theo hướng thuần túy nghệ thuật cao siêu như nhiều nhà thông thái đã chỉ giáo.

Đừng nói "Ma Chiến Hữu" chỉ là 1 tác phẩm văn học mà dễ dãi trong việc lưu hành. Đừng nói là sự kiểm duyệt chỉ có ở các chế độ độc tài. Đừng nói là người dịch chỉ biết đó là tác phẩm văn học thì dịch.Tư cách là người Việt Nam cần phải cao hơn tư cách của 1 dịch giả trong khi tiếp cận những vấn đề có thể đụng chạm đến lòng tự hào dân tộc. Chưa kịp chuẩn bị để có được 1 sự giao lưu văn hóa 2 chiều đầy đủ thì việc hạn chế xuất bản, hạn chế lưu hành những ấn phẩm văn hóa nhất định từ nước ngoài là cần thiết. Đó là trách nhiệm của bất kỳ nhà nước nào. Đối với trường hợp của "Ma Chiến Hữu", lẽ ra điều này càng cần phải được xem xét cẩn trọng hơn khi chủ đề về cuộc chiến tranh biên giới 1979 mà nó đề cập tới vẫn còn được nhà nước coi là "nhạy cảm" để hạn chế các nhà văn, nhà báo trong nước nói đến trên các kênh chính thống. Nhưng sự "chuẩn bị" của chúng ta cũng không thể quá chậm trễ. Trong việc này có trách nhiệm của các nhà văn và của cả các "nhà quản lý văn hóa", để sao cho trong một thời gian không quá lâu, chúng ta cũng có những tác phẩm nổi tiếng như của Mạc Ngôn và chính sách "quản lý văn hóa" của chúng ta cũng phải đủ thông thoáng, ít nhất cũng giống như TQ, để những tác phẩm đó có thể được lưu hành không chỉ ở VN mà cả ở TQ trong một thời gian không xa. Và đây là một ý kiến:

Nó cho chúng ta thấy sự méo mó, dị hợm, nhược tiểu, hèn nhát của chúng ta. Trong khi người Trung Quốc có thể viết sách về chiến tranh Việt-Trung, xuất bản chúng thì người Việt Nam không thể: từ tiểu thuyết của Trần Thu Trang bị yêu cầu cắt xén vài câu liên quan tới chiến tranh Việt Trung cho tới tập truyện ngắn của Vũ Ngọc Tiến bị thu hồi và nhà xuất bản Đà Nẵng bị đóng cửa bởi lý do trên. Trong khi người Việt không thể đọc được những tác phẩm của các nhà văn Việt Nam viết về chiến tranh Việt-Trung thì lại có thể dễ dàng mua được sách của người Trung Quốc viết về chiến tranh này. Trong khi báo chí Việt Nam không được đề cập tới chiến tranh Việt Trung thì lại vẫn có thể đọc thông tin từ các trang mạng bán chính thức của Trung Quốc về vấn đề này*.

Đó quả là nghịch lý. Và đáng buồn là cái nghịch lý ấy lại phổ biến đến mức thành chân lý, cứ như tằm ăn rỗi, nuốt trọn dần tâm thức người Việt, khi mà phim ảnh, sách báo Trung Quốc tràn ngập thị trường văn hóa Việt Nam. Rồi cứ đà này, người Việt sẽ chỉ biết Càn Long là vị minh quân thánh chúa chứ không biết y là kẻ xâm lược Việt Nam năm 1789. Sẽ chỉ biết Đặng Tiểu Bình là vị lãnh tụ xuất chúng siêu quần chứ không biết y là kẻ xua quân đánh Việt Nam năm 1979. Sẽ chỉ biết Hứa Thế Hữu là lão tướng tài năng được Mao Chủ tịch yêu dấu chứ không biết y là kẻ đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, Lạng Sơn và Cao Bằng 1979 (cho dù vị "tướng tài" mà báo Hà Nội Mới ca ngợi đó đã bị quân địa phương Việt Nam gây thiệt hại nặng nề đến mức bị Đặng tước quyền Tổng tư lệnh cuộc chiến xâm lược Việt Nam năm 1979). Sẽ chỉ biết tới những anh hùng quân đội Trung Quốc như "liệt sĩ" Tiền Anh Hào trong cuộc chiến Việt-Trung chứ không thể thuộc tên một anh hùng quân đội, một liệt sĩ Việt Nam nào trong cuộc chiến này.

Và rồi cuối cùng, chúng ta sẽ nhìn lịch sử Việt Nam bằng mắt của người Trung Quốc.
(http://blog.360.yahoo.com/blog-LHs64Q8nc6oA.KIg0brqXw--?cq=1)

Trên blog của Người Buôn Gió ta đọc được những dòng như sau:

Sự khốn nạn trong nền văn hóa Việt Nam hiện nay.

Tác phẩm như sách giới thiệu là ca tụng về chủ nghĩa anh hùng. Câu này in rõ ở bìa sau. Đề cập đến những người lính đã hy sinh anh dũng trên đất Lạng Sơn- Việt Nam tháng hai năm 1979. Những trận đánh ác liệt trên những cao điểm, tiêu diệt được rất nhiều tên địch. Chúng ta hay nghe lời của vị chính ủy sư đoàn nói trong sách. '' Chúng ta hy sinh vinh quang, quá khứ của chúng ta là vinh quang, lúc này cũng vinh quang, tương lai cũng vinh quang. Bất kỳ sự hoài nghi nào về vinh quang của chúng ta đều là sai lầm, những sai lầm cực kỳ nghiêm trọng''.
Tên sách ; Ma Chiến Hữu.
Tác Giả ; Mạc Ngôn.

Nhân vật chính; Người lính anh hùng đã hy sinh vì tổ quốc Trung Hoa vĩ đại trong chiến tranh phía Nam Trung Hoa tháng hai năm 1979, thượng sĩ Tiền Anh Hào.( trang 13) Do Trần Trung Hỷ dịch sang tiếng Việt. Nhà xuất bản Văn Học 10 Nguyễn Trường Tộ - Hà Nội. Năm 2008. Trên trang bìa có hình những chiến sĩ Trung Hoa anh hùng trước giờ xung trận dạy cho bọn địch một bài học.

Trên blog Hoàng Linh
Gần đây, có mấy chuyện động giời, liên quan đến chiến tranh 1979 mà các forum, blog đều râm ran: chuyện Nghĩa trang Liệt sĩ Trung-Việt Thủy Khẩu Long Châu bị coi là nơi có có vòng hoa của phái đoàn Việt Nam (?) tưởng nhớ các chiến sĩ Tàu chết trận 1979 (?), rồi chuyện “Hà Nội Mới” đăng bài dịch ca ngợi tướng Tàu Hứa Thế Hữu (tổng chỉ huy quân đội Trung Quốc oánh Việt Nam hồi 1979), và chuyện cuốn “Ma Chiến Hữu” trong loạt sách mới in năm ngoái của Mạc Ngôn ca ngợi người lính anh hùng đã hy sinh vì tổ quốc Trung Hoa vĩ đại trong chiến tranh phía Nam Trung Hoa tháng hai năm 1979” (được NXB Văn Học ấn hành với những lời PR có phần ồn ào).

Thông tin trong các vụ này thì rất nhiều và dồn dập, xem qua trên blog Sweet tears và Người Buôn Gió là tương đối đủ. Nhìn chung, tự mỗi người đều có thể rút ra được kết luận cho mình về việc xử lý các info và cả những tình cảm dân tộc của mình. Nói chung, dù ở mức độ khác nhau, nhưng các info trên đều bao hàm một ý nghĩa tích cực là dựng dậy tinh thần dân tộc, ái quốc trong người đọc, khiến người dân quan tâm lại với lịch sử đất nước. Ở câu chuyện nghĩa trang Thủy Khẩu, cho dù info có thể lệch lạc, hoặc nói nặng lên là thêu dệt, bịa đặt (ở đây tạm không xét đến “động cơ” của tác giả), ít ra, nó cũng có thể khiến nhiều người tìm hiểu, tại sao lại có chiến sĩ Việt Nam tử trận ở nước Tàu trong cuộc chiến chống Tưởng thống chế. Bởi lẽ, tìm hiểu lịch sự một cách đa chiều bao giờ cũng có ích và nên làm. Nhưng cái hay trong cả 3 trường hợp trên, là nó đặt ra vấn đề nhìn nhận những cá nhân (hoặc tập thể) trong lịch sử, xuất phát từ các góc độ, quan niệm khác nhau. Có lẽ không cần phải bài cãi, đối với đất nước và người dân Việt Nam, lính Tàu năm 1979 (trong đó có Hứu Thế Hữu), hẳn nhiên là địch, là kẻ xâm lược. Trên chiến trường là kẻ thù không đội trời chung. Bất kể trước đấy, họ có thể là những nông dân nghèo khó, thất học, bị chính quyền Tàu sử dụng như những con bài cho ván cờ của họ (theo ý mà bác Trương Thái Du dẫn lại của Mạc Ngôn trong một bài viết về sự “chính danh” của cuộc chiến 1979).

Nhưng với Trung Quốc, rất có thể họ được coi như những anh hùng, nhất là đối với những liệt sĩ (hiểu theo nghĩa thiệt mạng ngoài chiến trường). Đó là chuyện của Tàu, Việt Nam mình không làm gì được, dù bực. Kệ xác họ! Tóm lại dù mỗi người có những suy nghĩ khác nhau nhưng đều có một điểm chung là việc tác phẩm Ma Chiến Hữu xuất hiện ở Việt Nam nói lên sự ương hèn của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước. Họ đã cho phát hành những kiểu truyện ca ngợi Trung Quốc và tôn vinh chính kẻ thù của mình trong khi đã và đang đè bẹp ý chí yêu nước của dân tộc Việt Nam.

Sài Gòn, ngày 28 tháng 03 năm 2009

2 comments:

  1. Kiến nghị về quy hoạch và các dự án khai thác Bauxite ở Việt Nam

    Kính gửi:
    - Ông Nguyễn Minh Triết Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam;
    - Ông Nguyễn Phú Trọng cùng toàn thể Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam;
    - Ông Nguyễn Tấn Dũng cùng các thành viên Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam

    Chúng tôi, những người Việt Nam ký tên dưới đây, lo lắng trước vận mệnh nước nhà về vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên, xin kính gửi quý cơ quan bản kiến nghị này.

    Thưa quý cơ quan,
    Dân tộc Việt Nam chúng ta trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh giành độc lập và thống nhất, ngày nay đang huy động tổng lực sức người sức của và sức trí tuệ vào công cuộc xây dựng đất nước theo định hướng đổi mới toàn diện.
    Trong công cuộc xây dựng mới đất nước ta, trên nguyên tắc, không có sự đối lập về quyền lợi giữa Nhà nước và nhân dân – nhân dân ta ở trong nước cũng như ở ngoài nước, người giữ cương vị lãnh đạo cũng như người dân bình thường, ai ai cũng muốn đất nước ngày càng giàu mạnh, ngày càng văn minh, cả dân tộc sẽ là một gia đình lớn, vui tươi, ấm no, hạnh phúc.
    Tiếc rằng, trong vụ bauxite đang diễn ra, những con người trung thực của đất nước bắt đầu thấy hẫng hụt, lý tưởng chung tay xây dựng đất nước gần như đang ít nhiều suy giảm vì cách làm việc của cơ quan điều hành đất nước, một tình trạng cần được phân tích ngắn gọn như dưới đây.

    Thưa quý cơ quan,
    Việc khai thác tài nguyên của đất nước, trong đó có tài nguyên bauxite, là việc làm cần thiết, nhưng đó không thể là việc làm bằng mọi giá!
    Công việc chuẩn bị cho dự án bauxite đã được nhiều nhà khoa học chỉ ra những thiếu sót toàn diện, mà chỉ riêng hai lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đủ cho thấy những bất cập về chính trị, quốc phòng, môi trường, kinh tế, kỹ thuật, và kiến nghị của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, của Giáo sư Phạm Duy Hiển, và của các nhà nghiên cứu độc lập khác ở trong nước như nhà văn Nguyên Ngọc, học giả Nguyễn Trung, nhà báo Lê Phú Khải, nhà văn Phạm Đình Trọng, và ở ngoài nước như Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp chuyên gia về ô nhiễm môi sinh ở Úc, Kỹ sư tư vấn Đặng Đình Cung chuyên gia về mỏ ở Pháp ... là những bổ sung toàn diện mang tính chất "kỹ thuật" cho hai lá thư tâm huyết của Đại tướng.
    Tất cả các kiến nghị đó đã chỉ ra những kẽ hở hoặc những sai phạm khó chấp nhận trong chủ trương làm dự án bauxite này, mà chỉ ba điều sau cũng đủ để tất cả những ai có lương tri phải suy nghĩ:
    - Chủ trương lập dự án được công khai hóa vào cuối năm 2008 sang đầu năm 2009, song thực ra nó đã được "ký tắt" với người Trung Quốc từ nhiều năm về trước mà không hề xin ý kiến nhân dân thông qua Quốc Hội do dân bầu ra; toàn bộ báo cáo tiền khả thi chưa bao giờ được trình ra trước nhân dân và đại diện của nhân dân tức Quốc Hội;
    - Người Trung Quốc đóng cửa các mỏ khai thác bauxite của họ để chuyển sang khai thác ở Việt Nam, định trút gánh nặng ô nhiễm môi trường cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và nhiều đời mai sau – những hành động y hệt như họ đã và đang làm ở châu Phi với sự giúp sức của những chế độ cai trị tham nhũng tại châu lục này, và đang bị dư luận thế giới theo dõi chặt chẽ và hết sức công kích;
    - Kỹ thuật, công nghệ và nhân công khai thác dự định du nhập chủ yếu từ Trung Quốc, một cường quốc mới nổi dậy với nền kinh tế đang giàu lên nhưng bên trong vẫn chứa đựng không ít thực trạng bất khả tín, trong đó liên quan đến vấn đề khai thác bauxite là sự "nổi tiếng" của Trung Quốc trên toàn thế giới hiện đại như là một quốc gia gây ô nhiễm môi trường vào bậc nhất, chưa kể những “vấn nạn” khác (chỉ mới trong tháng Ba vừa rồi Chính phủ nước Úc đã phải hủy bỏ một dự án khai thác khoáng sản ở Nam Úc ký với Trung Quốc vì lý do quốc phòng).

    Thưa quý cơ quan,
    Đất nước là của chung của cả dân tộc, chứ không là của riêng của một nhóm người nào, của một nhóm quyền lợi nào, hoặc một tổ chức nào dù tinh hoa đến đâu cũng vậy.
    Tất cả những người có ý thức với dân tộc, với đất nước, xót xa trước những việc làm không được kiểm soát chặt chẽ xoay quanh vụ bauxite, đều thấy cần thiết phải lên tiếng.
    Chúng tôi kiến nghị:
    1) Phải đưa vấn đề dự án bauxite Tây Nguyên ra trước Quốc Hội và mọi chủ trương liên quan phải được Quốc Hội quyết định;
    2) Dự án bauxite Tây Nguyên phải chính thức dừng ngay lại, có giám sát chặt chẽ cho tới khi Quốc Hội xem xét toàn bộ báo cáo tiền khả thi và đưa ra những phê chuẩn thích hợp. Kính mong Quốc Hội thấu suốt được tinh thần của đại đa số dân chúng không muốn dự án này tiếp tục vì tất cả những hệ lụy nặng nề của nó;
    3) Những nghiên cứu tiền khả thi với vấn đề bauxite Tây Nguyên cần được dư luận rộng rãi tham gia và theo dõi.

    Thưa quý cơ quan,
    Những người ký tên dưới bản kiến nghị này bày tỏ sự lo lắng khôn cùng trước phương cách làm việc chưa thấu triệt và hoàn bị về nhiều mặt cho một dự án có tầm chiến lược sống còn của đất nước như dự án bauxite.
    Xin quý cơ quan nhận ở đây lòng kính trọng của chúng tôi và rất mong được thông hiểu cho nỗi trăn trở của chúng tôi cả ở trong nước lẫn ở ngoài nước.
    Nhân dịp này, chúng tôi cũng kêu gọi người Trung Hoa nhất là giới trí thức hãy ủng hộ dân tộc Việt Nam, giúp cho môi trường sống của nước láng giềng phía Nam được trong lành, giúp cho nhiều vấn đề còn dở dang giữa hai quốc gia được giải quyết trong hòa bình và hữu nghị.

    Việt Nam, ngày 12 tháng 4 năm 2009
    Ký tên
    Nếu đồng ý, bấm vào đây để
    Ký tên vào bản kiến nghị
    Danh sách những người đã ký tên đồng kiến nghị đợt 1
    Danh sách những người đã ký tên đồng kiến nghị đợt 2

    ReplyDelete
  2. Thấp Thoáng Diên Hồng

    Chiều 22 tháng tư, Ban Soạn Thảo Kiến Nghị Vụ Bauxite Tây Nguyên báo tin vui: Sau 5 ngày số người “đăng ký” từ khắp nơi gửi về đã vượt qua con số một nghìn. Muốn hiểu được ý nghĩa con số một nghìn này phải biết nó đi lên từ một “thảm trạng” mà nhiều nhà văn nhà báo đã phải báo động là “một xã hội thờ ơ, vô cảm”. Không chỉ vô cảm mà người ta còn làm nhiều điều tai hại khiến cho đạo đức suy đồi, thác loạn, chửi hết mọi giá trị, nội bộ phá nhau, vận nước đã có chiều nguy nan không cứu chữa mà còn bị đẩy thêm theo chiều vô vọng.
    Nhạc sĩ Tuấn Khanh trong bức thư phẫn nộ về cuốn Ma Chiến Hữu đã chỉ thằng vào số trí thức thoái hóa mà “tuyệt vọng” rằng: “Thật lòng, tôi cảm thấy tuyệt vọng cho một lớp trí thức của Việt Nam mỗi ngày càng cơ hội - con buôn và đang phát rồ vì lợi nhuận, một lớp người tự vẽ mặt trí thức để vượt qua mọi ngưỡng tự trọng và lương tri” (Tuấn Khanh). Đâu chỉ một mình Tuấn Khanh biết tuyệt vọng? Nhà thơ Bùi Minh Quốc cho tôi biết cách đây nhiều năm, chính “nghệ sĩ nhân dân” Trần Văn Thủy có lần đã phải thốt lên “Tôi tuyệt vọng về dân tộc tôi”.
    Những lời “tuyệt vọng” ấy là sự phẫn nộ không cùng, của những trái tim có lửa, muốn xã hội và đất nước khá lên, nhưng vướng những thói hư tật xấu kinh niên của chính đồng bào mình, của giới mình, của nước mình, tỉnh mình, huyện mình, làng mình, hoặc nhà mình nữa.
    Xã hội như con ngựa chiến, cũng như cơ thể con người, thường phải vỗ về, động viên, hy vọng, nhưng khi “liệu pháp ngọt” ấy đã lờn, đã lì, đã ngủ, có lúc phải dùng “liệu pháp ngược” là dùng roi mà quất.
    Lời tuyệt vọng ấy là sự phê phán đến mức căm giận, chỉ có thể thốt lên từ nhũng trái tim bốc lửa yêu thương, ưu thời mẫn thế. Những người ấy nhiều lúc đã phải khuyên nhau: “Ông phải cố gắng giảm sự mẫn cảm để chung sống với … lũ, chứ cứ nhạy cảm như thế thì lên cơn tăng xông mà chết đấy”. Những nhà văn tả chân về thói thờ ơ vô cảm đều là những nhà văn hóa đáng trọng, không chịu nổi thói thờ ơ vô cảm tưởng như vô phương cứu chữa. Người đã lên tiếng “tuyệt vọng” thì không bao giờ là người tuyệt vọng. Nhà “tuyệt vọng” Tuấn Khanh đã xuống đường biểu tình với sinh viên để giữ gìn biên cương tổ quốc, nhà “tuyệt vọng” Trần Văn Thủy đã vác cả cái chức danh “nghệ sĩ nhân dân” tham gia ngay vào Kiến Nghị Về Vụ Bauxit Tây Nguyên.
    Kết quả thật không ngờ, sau những cú “quất” của các nhà văn hóa vào cái tình trạng chìm đắm ấy, đột nhiên khởi sắc ra đợt ký Kiến Nghị Bauxit có một không hai này. Con số một ngàn (đang tiếp tục gia tăng) chưa có ý nghĩa gì về số lượng, nhưng là dấu hiệu chuyển biến về chất, từ vô cảm đến trách nhiệm, từ ly tán đến hợp quần, từ lo sợ kinh niên sang một xã hội dân sự tự tin, vô úy …. Bởi vậy đừng thấy chữ “tuyệt vọng” mà buồn:
    Thấy người “tuyệt vọng” thì thương
    Không đâu, “tuyệt vọng” ấy đường cứu sinh!
    Bởi “Biết tuyệt vọng còn cơ sống lại”!. Lý trí mách bảo khó khăn còn đầy trước mặt, khó tiên lượng, nhưng tấm lòng ta đã ấm dậy yêu thương. Cho phép tôi chúc mừng con số một nghìn đang có cơ phát triển:
    Ta Đi Vào Hội
    Nhìn đoàn dân Việt ký đông vui
    Đã thấy Hồn thiêng gọi giống nòi
    Thấp thoáng Diên Hồng loe đỉnh núi
    Thước sông tấc núi giục lòng tôi!
    (Tây nguyên quyết giữ một màu tươi)!
    Hà Sĩ Phu - Lâm Đồng 22/4/2009

    ReplyDelete